TP.HCM “hết cửa” phân lô, tách thửa để kinh doanh bất động sản
Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM cho biết hồ sơ tách thửa đất ở TP.HCM chỉ được đề xuất chấp thuận khi tất cả các thành viên tổ công tác liên ngành với nhiều phòng ban, đơn vị đó nhất trí hoặc không có ý kiến khác.
Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM cho biết theo quy chế mẫu mà Sở ký ban hành gửi UBND 24 quận, huyện trên địa bàn hướng dẫn quy trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết yêu cầu tách thửa đất của người dân, thì việc thực hiện quy trình được tổ chức, kiểm soát chặt chẽ.
Trong đó, UBND quận, huyện sẽ là nơi tiếp nhận hồ sơ; tổ công tác liên ngành do UBND quận, huyện quyết định thành lập sẽ họp xét duyệt hồ sơ, đề xuất, bao gồm Văn phòng UBND quận, huyện, Phòng Tài nguyên Môi trường, Phòng Quản lý đô thị, UBND phường, xã, thị trấn (sẽ là những thành viên tham gia thường xuyên). Ngoài ra còn có sự tham gia của HĐND quận, huyện; Mặt trận Tổ quốc; Phòng Nông nghiệp, Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội.
Hồ sơ tách thửa đất ở TP.HCM chỉ được đề xuất chấp thuận khi tất cả các thành viên tổ công tác liên ngành với nhiều phòng ban, đơn vị đó nhất trí hoặc không có ý kiến khác.
Thời gian qua, nhu cầu tách thửa đất ở TP.HCM rất lớn. UBND TP.HCM ban hành nhiều quyết định liên quan đến việc cho phép tách thửa. Tuy nhiên, khi áp dụng trên thực tế, do các quận, huyện buông lỏng quản lý, đã dẫn đến phát sinh tiêu cực, tách thửa vô tội vạ, nhiều thửa đất trống bị “băm nát” với nhà cửa mọc lên nhưng hạ tầng không đảm bảo.
Trước đó, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã có kiến nghị các quy định để quản lý tình trạng phân lô bán nền tại các quận, huyện vùng ven thành phố. Theo Sở Xây dựng, trong quá trình thực hiện Quyết định 60 đã phát sinh tình trạng phân lô bán nền không được quản lý theo quy định về nhà ở và kinh doanh BĐS. Từ đó làm hình thành nên các khu dân cư không đảm bảo quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, môi trường…
Với những trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật để chuyển nhượng dưới hình thức phân lô bán nền, theo Sở Xây dựng là hoạt động kinh doanh BĐS chiếu theo Luật Kinh doanh BĐS.
Trong khi đó, Luật Nhà ở quy định dự án đầu tư xây dựng nhà ở là tổng thể các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để xây dựng mới nhà ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu ở…
Do vậy, theo Sở Xây dựng TP.HCM, việc hộ gia đình cá nhân có nhu cầu tách thửa đất có hình thành đường giao thông để chuyển nhượng chính là hình thức dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại của hộ gia đình cá nhân, là hoạt động kinh doanh BĐS ngoại trừ tách thửa khi thừa kế, cho tặng quyền sử dụng đất.
Trường hợp hộ gia đình cá nhân tách thửa có hình thành đường giao thông và có kinh doanh BĐS thì Sở Xây dựng đề xuất thực hiện lập thủ tục dự án nhà ở thương mại theo Luật Nhà ở.
Nếu tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng thì Sở Xây dựng cấp phép còn thấp hơn thì thuộc thẩm quyền của quận, huyện. Trường hợp mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng thì chủ đầu tư phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã để triển khai dự án.
Còn với tách thửa có hình thành đường giao thông nhưng không kinh doanh BĐS, Sở Xây dựng cho rằng nên thực hiện theo Luật Xây dựng và Nghị định 59/2015.
Theo đó, nếu tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng thì chủ đầu tư phải lập dự án đầu tư, thiết kế cơ sở để Sở Xây dựng thẩm định và cấp phép. Còn mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng thì chủ đầu tư phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật để quận huyện cấp phép.