Phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất được đề xuất xây đường trên cao
Đường trên cao số 1 được đề xuất kéo dài đến phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất, tại đường Quang Trung (quận Gò Vấp), để tăng kết nối.
Hiệp hội Cầu Đường Cảng TP HCM cùng Công ty TNHH Tư vấn thiết kế B.R vừa đề xuất nghiên cứu dự án kết nối đường trên cao số 1 và đường nối vào cửa phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất.
Tuyến đường trên cao số 1 đã được thành phố phê duyệt dài khoảng 9,5 km, bắt đầu từ nút giao Lăng Cha Cả, chạy dọc đường Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện – Hoàng Văn Thụ – Phan Đăng Lưu – Phan Xích Long – Phan Xích Long nối dài – giao với đường Điện Biên Phủ. Sau đó có một nhánh xuống nút giao đường Điện Biên Phủ, nhánh còn lại đi theo đường Ngô Tất Tố và kết thúc ở cầu Phú An (phường 22, quận Bình Thạnh). Tổng số vốn công trình dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng, khởi công trong năm nay.
Trong bối cảnh khu vực Tân Sơn Nhất “nghẽn cả trên trời lẫn dưới đất” và nhằm tăng khả năng kết nối, cũng như giao thông khu vực ở phía Bắc sân bay, nhóm tư vấn đề xuất kéo dài thêm tuyến đường trên cao này.
Mặt bằng phương án đường trên cao số 1 và đường nối vào phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất. |
Theo đó, tuyến đường sẽ được làm theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu thực hiện đúng quy hoạch đã có, giai đoạn hai xây dựng đường trên cao đoạn từ Cộng Hòa – Lăng Cha Cả và xây dựng thêm các nhánh nối từ Tân Sơn Nhất lên cầu cạn và ngược lại.
Điểm đầu giao cắt với điểm cuối của đường trên cao số 1 tại ngã ba Cộng Hòa và Trường Chinh, đi băng theo đường Phạm Văn Bạch, dọc theo tường bảo vệ phạm vi sân bay, đến ngã ba Trần Thái Tông. Sau đó, tuyến rẽ phải và đi trên cao vào sân bay Tân Sơn Nhất, đi song song với đường băng cất hạ cánh của sân bay, rồi kết nối với đường Quang Trung. Đoạn này gọi là đường nối vào cửa phía Bắc sân bay, có tổng chiều dài 5,3 km.
“Việc kéo dài tuyến đường trên cao số 1 không chỉ để kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất sau khi mở rộng, tạo thành đường chuyên dụng ra vào sân bay mà còn góp phần kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 (tuyến metro Bến Thành – Tham Lương), giảm tải giao thông đô thị”, đơn vị đề xuất đánh giá.
Tuyến đường nối vào cửa Bắc sân bay theo thiết kế sẽ đi qua ga Bà Quẹo và ga Phạm Văn Bạch (đoạn đi ngầm tuyến metro số 2). Đơn vị tư vấn đề xuất trên tuyến đường nối sẽ thiết kế lối lên xuống tại 2 ga này để hành khách có thể đi đường trên cao, tới ga Bà Quẹo xuống đi metro vào trung tâm thành phố; hoặc đi metro từ Bến Thành đến ga Phạm Văn Bạch lên đường trên cao đi về phía sân bay.
Đề xuất này của Hiệp hội Cầu Đường Cảng TP HCM phù hợp với phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc (sân golf) của nhóm chuyên gia được Bí thư Thành ủy TP HCM thành lập.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không – ĐH Bách Khoa TP HCM), về chiến lược, để tăng khả năng kết nối sân bay với xung quanh phải mở rộng về hướng Bắc. Quan điểm của TP HCM là cần phải thu hồi sân golf, mở rộng về hướng này vì sân bay còn tương tác với sự phát triển của thành phố, kết nối giao thông.
“Cụ thể hơn nữa mà ai cũng thấy là giao thông quanh sân bay. Nếu như mở rộng về phía Bắc, chỉ cần định tính thôi cũng đã giảm được sự tốn kém do việc kẹt xe mang lại. Việc này sẽ giúp san sẻ khách đến Tân Sơn Nhất từ các hướng khác (đường Tân Sơn, Quang Trung) chứ không phải chỉ từ trung tâm thành phố (đường độc đạo Trường Sơn ở phía Nam) để ra vào sân bay như hiện nay”, ông Tống nói.
Trong khi đó, báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải chiều hồi cuối tháng 2 về phương án quy hoạch Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, đại diện Công ty tư vấn ADPi Engineering của Pháp cho rằng, cần hạn chế công suất sân bay là 50 triệu hành khách vào năm 2025, để không phải xây thêm đường băng số ba. Bởi sẽ làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng và gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn trong khu vực khi máy bay lên xuống liên tục.
Đơn vị tư vấn độc lập cũng chỉ ra hai phương án xây dựng nhà ga hành khách về phía Bắc hoặc phía Nam. Trong đó, nếu xây ở phía Bắc (khu vực có nhiều đất quốc phòng) sẽ có nhiều bất lợi là khai thác thiết bị không tối ưu, đi lại của hành khách giữa hai khu sẽ khó khăn, ảnh hưởng đường cất hạ cánh, gây tốn nhiều chi phí. Do đó, phương án tối ưu là xây nhà ga hành khách ở phía Nam để liên hoàn với khu vực nhà ga hiện có.
Ngoài ra, tư vấn đề nghị bổ sung nhiều vị trí đỗ, mở rộng nhà ga, sân đỗ về phía Nam để tăng khả năng đỗ phương tiện; xây nhà ga hàng hóa để đảm bảo vận chuyển một triệu tấn hàng hóa mỗi năm; xây khu bảo dưỡng máy bay ở phía Bắc.
Phương án cuối cùng được Chính phủ chọn để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ được chốt ngay trong tháng 3 này.
Hữu Công