Người dân dễ thở hơn với quy định tách thửa mới

Nông dân của năm huyện ngoại thành sẽ được tách thửa để tổ chức sản xuất nông nghiệp hoặc chuyển nhượng lại cho người khác sản xuất.

“Quyết định 60 vừa ban hành thay thế Quyết định 33/2014 quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP có nhiều nội dung mới và sát thực tiễn, sẽ giải quyết được những bất cập liên quan đến tách thửa trong thời gian qua” – trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT (ảnh),khẳng định.

Các điểm mới đáng chú ý

Phóng viên: So với quy định cũ, những điểm mới nào của Quyết định 60 hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho người dân trong việc tách thửa?

Ông Nguyễn Toàn Thắng: Quyết định 60 có năm điểm mới quan trọng như sau:

Thứ nhất, quyết định lần này chia thành ba khu vực và diện tích tối thiểu để tách thửa cũng được điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tiễn phát triển đô thị của TP (xem box). Trong điểm mới này có một chi tiết rất quan trọng là không phân ra diện tích đất ở có nhà hay không có nhà. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng không phải xác minh lại thời điểm hình thành căn nhà. Người dân cũng như cơ quan quản lý nhà nước sẽ không bị rối vì quy định này như trước đây đã từng.
Điểm mới thứ hai là người dân có đất ở trong quy hoạch hỗn hợp hoặc quy hoạch dân cư xây dựng mới cũng sẽ được giải quyết tách thửa nếu sau ba năm mà quận, huyện rà soát, điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của quận, huyện. Đây là một điểm rất mới sẽ đảm bảo được quyền lợi cho người dân trong việc sử dụng đất.
Thứ ba là đối với những thửa đất sau khi phân chiết mà có hình thành đường giao thông thì TP cũng giao Sở QH-KT ban hành văn bản hướng dẫn điều kiện nghiệm thu hạ tầng kỹ thuật của dự án để thực hiện trên toàn TP. Trước đây, khi thực hiện quyết định tách thửa cũ, mỗi địa phương có một quy chế riêng khiến cho việc thực hiện không đồng bộ, mỗi nơi làm một kiểu nên khi có vướng mắc thì cũng giải quyết không đồng bộ.

Với Quyết định 60 thì sẽ không còn những “căn nhà” như thế này mọc lên để đối phó. Ảnh: VIỆT HOA
Với Quyết định 60 thì sẽ không còn những “căn nhà” như thế này mọc lên để đối phó. Ảnh: VIỆT HOA

Điểm mới quan trọng nữa là Quyết định 60 quy định việc tách thửa cho cả đất nông nghiệp, đất ở cũng như các loại đất khác (trước đó, Quyết định 33 chỉ quy định tách thửa đối với đất ở). Ví dụ, đất nông nghiệp và đất trồng cây hằng năm có diện tích tối thiểu là 500 m2 và đất trồng cây lâu năm là 1.000 m2 thì được tách thửa. Quy định này sẽ giải quyết quyền lợi cho người dân có đất sản xuất nông nghiệp bấy lâu không được tách thửa.

Thưa ông, người dân vẫn rất băn khoăn về việc tách thửa đất ở thuộc đất quy hoạch dân cư xây dựng mới và đất hỗn hợp. Quy định sau ba năm mà không khả thi và đưa ra khỏi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm thì được tách thửa. Nếu sau khi rà soát xong, các địa phương vẫn tiếp tục đưa vào kế hoạch thực hiện cho kỳ quy hoạch tiếp theo thì quyền lợi người dân vẫn không được giải quyết…

Cũng xin nói rõ thêm hiện TP đang tập trung điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Theo đó, các quận, huyện sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy hoạch dân cư xây dựng mới và quy hoạch đất hỗn hợp trên địa bàn mình quản lý để tiến hành điều chỉnh. Sau khi quy hoạch chung của toàn TP đã hoàn chỉnh và được phê duyệt. Nếu Quyết định 60 có “độ vênh” so với quy hoạch chung thì chúng tôi sẽ tiếp thu và điều chỉnh lại để đảm bảo quyền lợi cho dân.

Quyết định 60 có đưa các thị trấn của năm huyện ngoại thành xếp vào khu vực 2 (có diện tích tối thiểu được tách thửa là 50 m2). Trong khi đó tại năm huyện này diện tích tối thiểu được tách thửa là 80 m2. Như vậy có công bằng?

Chúng tôi cho rằng các thị trấn trong một huyện có đặc trưng giống với một quận, huyện đang đô thị hóa. Do đó, đất ở trong đô thị thì sẽ không lớn nên quy định như vậy là phù hợp và để tạo thuận lợi cho người dân tạo lập nhà ở.

Kiểm soát tiêu cực

Với việc ban hành Quyết định 60 , ông kỳ vọng gì về vấn đề tách thửa, vốn lâu nay đã có rất nhiều bất cập?

Tôi cho rằng bên cạnh người dân có đất ở đô thị thì những người sản xuất nông nghiệp của TP cũng sẽ rất vui mừng. Đặc biệt là nông dân của năm huyện ngoại thành, họ sẽ được tách thửa để tổ chức sản xuất nông nghiệp hoặc chuyển nhượng lại cho người khác sản xuất sau một thời gian dài pháp luật không cho phép.

Sau bốn năm thực hiện, Quyết định 33 đã bộc lộ nhiều bất cập và tiêu cực trong lĩnh vực quản lý đất đai mà điển hình là hàng loạt sai phạm tại Hóc Môn. Với những điều kiện nào của Quyết định 60 có thể khắc phục được những bất cập đó?

Điều kiện lớn nhất mà Quyết định 60 đưa ra là việc tách thửa có hình thành đường giao thông. TP đã giao cho cơ quan chức năng hướng dẫn và nghiệm thu hạ tầng. Những bất cập trước đây cũng chủ yếu là liên quan đến vấn đề đầu tư và nghiệm thu hạ tầng khi giải quyết cho tách thửa. Việc TP yêu cầu phải thành lập tổ công tác rồi có hẳn cả một hướng dẫn chung và thực hiện thống nhất trên toàn TP về các tiêu chí thực hiện hạ tầng thì tôi cho rằng sẽ khắc phục được những bất cập của quyết định trước đó.

Xin cám ơn ông.

Diện tích tối thiểu được tách thửa của ba khu vực

  • Khu vực 1 gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú. Diện tích tối thiểu là 36 m2, chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 3 m.
  • Khu vực 2 gồm các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện. Diện tích tối thiểu là 50 m2, chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 4 m.
  • Khu vực 3 gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ (ngoại trừ thị trấn). Diện tích tối thiểu là 80 m2, chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 5 m.
Theo Việt Hoa
Pháp Luật TPHCM